Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng

Chương trình đào tạo cử nhân Logistics và quản lý chuỗi cung ứng được xây dựng dựa trên tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu chiến lược của Trường Đại học Văn Hiến và khoa Kinh doanh Thương mại. Chương trình sẽ cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như đóng góp tích cực vào sự thay đổi lối sống, cách suy nghĩ và làm việc của con người thông qua giáo dục, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Đây là nền tảng cho sự phát triển của Trường Đại học Văn Hiến nói chung và khoa Kinh doanh Thương mại nói riêng, mà từ đó góp phần trở thành trường đại học có vị thế cao trong hệ thống các trường đại học theo định hướng ứng dụng của Việt Nam; ngang tầm với các trường đại học trong khu vực về môi trường học tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Nội dung chương trình được xây dựng theo định hướng ứng dụng, trang bị cho người học những kiến thức liên quan đến Kinh tế, Tài chính, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Với nền tảng kiến thức được cung cấp, sinh viên ra trường có khả năng tự học, tự nâng cao trình độ suốt đời để thích ứng với sự biến động không ngừng của thị trường; có khả năng phân tích, xử lý thông tin liên quan đến các hoạt động của Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Sinh viên sẽ có ý thức trách nhiệm, có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ ngoại ngữ tốt; và có đủ năng lực đảm nhận công tác tại các vị trí liên quan đến quản trị logistics và chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có gì thú vị?

Đào tạo cử nhân Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có hiểu biết về chính trị, có phẩm chất nhân văn, có đạo đức và ý chí, có khả năng tự học và sáng tạo, có năng lực về chuyên môn, nắm vững những kiến thức cơ bản về khối ngành kinh doanh và quản lý, có những kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực kinh doanh, Logistics, chuỗi cung ứng; có khả năng sử dụng ngoại ngữ và tin học tốt; có khả năng tham mưu cho lãnh đạo đơn vị. Sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có thể làm việc trong mọi loại hình doanh nghiệp trong và ngoài nước, các văn phòng đại diện, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế và các tổ chức kinh doanh khác.

Bạn cần tố chất nào để học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng?

– Có năng khiếu về ngoại ngữ

– Yêu thích lĩnh vực Logistics, Quản lý chuỗi cung ứng

– Sáng tạo, hợp tác, tư duy hệ thống.

Học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ở đâu?

Những trường đại học đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng: Trường Đại học Văn Hiến, Đại học RMIT, Đại Học Giao thông Vận tải TP.HCM, Đại học Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân… Sinh viên sẽ được đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để luôn nổi trội trong lĩnh vực nghề nghiệp đa dạng này.

Các bạn cần tìm hiểu đề án tuyển sinh của mỗi trường, phương thức xét tuyển và tham khảo điểm trúng tuyến các năm gần đây để xét tuyển vào trường đại học phù hợp nhất với kết quả học tập và thi THPT.

KHI BẠN LÀ SINH VIÊN LOGISTICS VÀ QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG VĂN HIẾN
Tại trường Đại học Văn Hiến chương trình đào tạo được xây dựng theo khung của bộ GD&ĐT, hướng tới kiểm định AUN-QA. Các học phần luôn ưu tiên đến tính ứng dụng, thực hành và bám sát chuẩn đầu ra.

Sinh viên theo học ngành này thường xuyên tham gia kiến tập, thực tập chuyên ngành tại các doanh nghiệp nhằm giúp học hỏi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm chuyên môn cũng như tự tin và tăng khả năng hòa nhập vào môi trường làm việc trong tương lai.

Cơ hội việc làm với sinh viên học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Văn Hiến?

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí công việc trong doanh nghiệp như:

– Thu mua và ký hợp đồng thu mua;

– Kiểm tra các công đoạn sản xuất và kiểm tra chất lượng;

– Quản lý hệ thống phân phối; kiểm soát tồn kho; Quản lý kho;

– Tiếp nhận, xử lý, và quản lý đơn đặt hàng; Giao nhận hàng hóa;

– Thanh toán xuất nhập khẩu; bảo hiểm.

Đồng thời, sinh viên có thể làm các công việc trong doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics như: hoàn thành các bộ chứng từ vận tải và giao nhận;dàn xếp vận tải (hàng không, xe tải, hoặc xe lửa, hay đường biển); dàn xếp hợp đồng kho bãi, sắp xếp kho bãi, kiểm soát luồng vào và luồng ra. Hoặc với kiến thức, kỹ năng đã được trang bị, sinh viên có thể khởi nghiệp kinh doanh.

Nhu cầu thị trường, xu hướng việc làm với Cử nhân Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng?

Cùng với sự phát triển mạnh của nền kinh tế thế giới theo hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa, dịch vụ Logistics ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là công cụ liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu như cung cấp, sản xuất, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường cho các hoạt động kinh tế. Khi thị trường toàn cầu phát triển với các tiến bộ công nghệ, đặc biệt là việc mở cửa thị trường ở các nước đang và chậm phát triển, Logistics được các nhà quản lý coi như là công cụ, một phương tiện liên kết các lĩnh vực khác nhau của chiến lược doanh nghiệp. Logistics tạo ra sự hữu dụng về thời gian và địa điểm cho các hoạt động của doanh nghiệp. Phát triển dịch vụ Logistics một cách hiệu quả sẽ góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quốc gia.

Theo Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, tính tới thời điểm năm 2019, Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistic, trong đó có khoảng 10% là doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, tăng trưởng của ngành dịch vụ Logistics này khá ấn tượng, từ 15 -20% mỗi năm, cũng theo đó là nhu cầu về nhân sự, cho tới thời điểm hiện tại, theo đánh giá của vị đại diện này cần tới 20.000 nhân sự chất lượng cao. Trong hơn 10 năm nữa, khi Việt Nam tham gia đầy đủ vào các hiệp định FTA, khả năng nhu cầu lao động còn cao gấp 10 lần hiện tại.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ và ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới. Thị trường thế giới đang rộng mở cho hàng hóa của Việt Nam và ngược lại. Hội nhập tạo ra nhiều cơ hội lớn cho đất nước phát triển, nhưng cũng đồng thời là thách thức lớn nếu ta chưa có nội lực đủ mạnh. Để tạo thế mạnh cho nền kinh tế, chúng ta cần phải nâng cao sức cạnh tranh không chỉ trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp mà còn trong cả thương mại và dịch vụ bởi đây chính là lĩnh vực có sự tác động trực tiếp khi Việt Nam tham gia các tổ chức và hiệp định trên thế giới và trong khu vực như WTO, AEC, CP-TPP, FTA… và cũng bởi đây chính là lúc mà thị trường trong nước nhanh chóng được mở cửa tự do.

Thứ nhất, khi cộng đồng kinh tế Asean (AEC) đã được hình thành hứa hẹn sự phát triển sôi động của hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Đây cũng được xem là cơ hội lớn cho ngành Logistics bùng nổ. Khi đó, Việt Nam không chỉ phát triển theo hướng sản xuất mà còn có cơ hội tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải của thế giới. Chính vì vậy, Logistics được đánh giá là ngành hấp dẫn. Thị trường Logistics được xem là một thị trường tiềm năng tại Việt Nam.

Thứ hai, ngành Logistics hỗ trợ cho việc phân phối hàng hóa nhanh chóng, chính xác và là yếu tố quan trọng tác động mạnh vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Logistics, mặc dù đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh từ các doanh nghiệp ngoại, song các doanh nghiệp Logistics Việt Nam được đánh giá cao về triển vọng phát triển khi họ biết nắm bắt những cơ hội mới. Mặt khác, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện sẽ tăng khả năng kết nối giữa các cơ sở Logistics và khu sản xuất, nhiều chính sách hỗ trợ và kích thích sự phát triển bền vững của ngành Logistics từ phía Chính phủ và các Bộ, Ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dịch vụ Logistics trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động đặc biệt là lao động ngành Logistics có trình độ chuyên môn cao.

Thứ ba, mặc dù được đánh giá là ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển lớn, là ngành có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế nhưng ngành này tại nước ta lại chưa có được nguồn nhân lực đủ để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển. Hiện tại, nguồn nhân lực của ngành chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Hầu hết các công ty dịch vụ Logistics ở Việt Nam đều khẳng định tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao, trong khi đó nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Logistics trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng. Ngoài những yếu tố thuộc “phần cứng” như trang thiết bị, thủ tục, công nghệ IT, luật lệ, thì nguồn nhân lực được xem là “phần mềm” của ngành, một điều kiện đủ để tạo sức bật, phát triển bền vững chỉ khi nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức nền tảng, có hệ thống, theo chuẩn nghề quốc tế trong ngành Logistics. Và đây chính là nhân tố đang thiếu hụt trầm trọng tại nước ta.

Theo Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm cho biết: Năm 2019, mức lương khởi điểm trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics và vận tải đa phương thức từ 7 – 12 triệu đồng/tháng. Với những người có kinh nghiệm, mức lương có thể cao hơn nhiều. Đây là cơ hội việc làm rất phù hợp với người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, nhất là sinh viên chuyên ngành Thương mại – Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế, Xuất nhập khẩu, Quản trị Logistics. Sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng sau khi ra trường có thể đảm nhận công việc tại các vị trí: chứng từ Xuất nhập khẩu, dịch vụ khách hàng, dõi đơn hàng, tư vấn làm thủ tục hải quan, đặt cước tàu, mua và bán cước tàu, đàm phán hợp đồng ngoại thương, thu mua, quản lý hàng nhập kho, xuất kho và tồn kho, xây dựng bộ chứng từ để xin CO hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, nguồn cung luôn thiếu hụt so với nhu cầu của các doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2025, ngành Logistics ở Việt Nam sẽ cần thêm gần 30.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, do chưa được đào tạo bài bản, nhân lực ngành này hiện đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Văn Hiến đã tiến hành khảo sát trong khoảng thời gian từ tháng 11/2019 đến tháng 3/2020 thông qua bảng câu hỏi đối với cực sinh viên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, cũng như giảng viên thông qua phỏng vấn để xác định cơ sở thực tiễn cho việc mở ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Đối với doanh nghiệp, khảo sát được tiến hành thông qua 15 doanh nghiệp có hoạt động Forwarders, 12 doanh nghiệp kho bãi, 10 doanh nghiệp vận tải, 7 doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hải quan, một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chuyển phát nhanh, phân phối, đại lý, đóng gói, bảo hiểm và dịch vụ giáo dục. Kết quả khảo sát cho thấy: Trên 70% doanh nghiệp cho rằng có nhu cầu cao về lao động trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, 14% doanh nghiệp được khảo sát trả lời nhu cầu rất cao. Trung bình nhu cầu lao động đối với mỗi doanh nghiệp trong 3 đến 5 năm tới chủ yếu từ 1 đến 5 lao động.

Đối với cựu sinh viên, khảo sát được thực hiện trên 30 cực sinh viên: kết quả thu được cho biết 88% sinh viên được hỏi cho rằng nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng là cao.

Đối với giảng viên, 100% giảng viên giảng dạy chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhận thấy nhu cầu đối với lực lượng lao động trong lĩnh vực này là rất lớn.

Bao nhiêu điểm có thể trúng tuyển ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Văn Hiến?

Bạn có thể tham khảo điểm mức điểm trúng tuyển ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng năm 2020 dưới đây:

Phương thức xét kết quả học bạ THPT:
– Năm 2020: 18.00 điểm
– Năm 2021: 18.00 điểm

Quý Phụ huynh và sinh viên đăng ký tư vấn chọn ngành, chọn trường phù hợp vui lòng liên hệ:
Văn phòng Trung tâm Tuyển sinh Trực tuyến
740 Điện Biên Phủ, Phường 10, Quận 10, TP.HCM
Tổng đài tư vấn miễn phí: 1800.2073
Email: tuyensinh@myu.edu.vn | Zalo: 0327 840 333
Fanpage: https://www.facebook.com/trungtamtuyensinhtructuyen
Chat hỗ trợ
Chat ngay