Ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 như thế nào?

TTO – Học sinh lớp 12 cần bám sát hướng dẫn điều chỉnh chương trình phổ thông được Bộ GD-ĐT ban hành tháng 9-2021, tập trung ôn tập nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức lớp 10, 11 để nắm vững kiến thức lớp 12.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), chia sẻ như vậy về định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành

Ông Thành lưu ý: Theo hướng dẫn thực hiện chương trình ứng phó với dịch COVID-19, đề kiểm tra, đánh giá, thi không bao gồm những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm…

Căn cứ vào nội dung chương trình đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn, các trường cần hướng dẫn cho học sinh lớp 12 chủ động rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản ngay trong quá trình học; xây dựng kế hoạch và thực hiện việc ôn tập theo từng giai đoạn giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II, cuối học kỳ II; để khi học hết chương trình môn học lớp 12, học sinh đã có một đề cương ôn tập hoàn chỉnh sắp xếp theo chủ đề, bám sát nội dung kiến thức cơ bản, cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Ngoài sách giáo khoa, học sinh cần tham khảo những tài liệu nào cho việc ôn tập?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã được Bộ GD-ĐT thông báo vẫn giữ ổn định và bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Sách giáo khoa là tài liệu tham khảo chính.

Các nhà trường cần tổ chức cho học sinh học tập và ôn luyện bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12 và lưu ý các nội dung kiến thức có liên quan, tiếp nối ở lớp 10, 11 theo hướng khai thác, vận dụng kiến thức đã học trong chương trình theo yêu cầu cần đáp ứng theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Nhiều học sinh chọn cách tham gia nhiều cuộc thi thử của trường cũng như các trung tâm luyện thi online trong giai đoạn học trực tuyến phòng COVID-19, theo ông, việc này có cần thiết không?
 
– Việc tham dự một vài cuộc thi thử sau khi đã hoàn thành chương trình và ôn tập đầy đủ có thể giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, rèn luyện kỹ năng làm bài thi… nhưng không nên lạm dụng “thi thử” trong giai đoạn ôn tập.
 
Điều quan trọng nhất là học sinh cần phải chủ động trong việc hệ thống hóa kiến thức và luyện tập các kỹ năng khai thác, vận dụng kiến thức theo hệ thống câu hỏi, các dạng bài tập theo các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; qua đó nắm vững kiến thức một cách có hệ thống và làm chủ kiến thức để khai thác, sử dụng trong các tình huống khác nhau của đề kiểm tra, đánh giá, thi.
 
Nhiều trường THPT tập trung ôn tập cho học sinh lớp 12 theo hình thức trắc nghiệm khách quan vì 4/5 bài thi tốt nghiệp THPT là thi theo hình thức này, theo ông có hợp lý không?
 
– Điều quan trọng nhất là học sinh cần nắm vững kiến thức một cách hệ thống và có kỹ năng chủ động trong khai thác sử dụng kiến thức để giải quyết các yêu cầu của các câu hỏi kiểm tra, đánh giá.
 
Muốn vậy, việc học tập, ôn luyện phải được thực hiện từ “gốc”, với việc vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề, tình huống trong các câu hỏi, bài tập tự luận, các bài thực hành, dự án học tập…; qua đó giúp học sinh nắm vững kiến thức một cách có hệ thống, phát triển các kỹ năng và năng lực vận dụng kiến thức đã học ở các mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng, vận dụng cao.
 
Việc này nếu chỉ ôn tập thông qua các câu hỏi trắc nghiệm khách quan, cũng như lạm dụng việc “thi thử”, sẽ khó đáp ứng yêu cầu nắm vững kiến thức một cách hệ thống để có thể huy động, vận dụng trong các tình huống khác nhau.

Hiện nay nhiều cơ sở ĐH tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Theo ông, giữa việc ôn tập để thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực có điểm giống và khác nhau thế nào?
 
Tôi không thấy có sự khác nhau đáng kể nào ngoài hình thức thi, cấu trúc đề có thể khác nhau. Các bài kiểm tra, đánh giá, thi đối với học sinh đều phải dựa vào kiến thức, kỹ năng của chương trình mà học sinh đã học.
 
Dù được tổ chức theo hình thức nào thì mỗi đề kiểm tra, đánh giá, thi đều bao gồm các câu hỏi, bài tập trong đó yêu cầu học sinh phải huy động được những kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết các vấn đề đặt ra theo các mức độ khác nhau.
 
Nếu học sinh đã nắm vững kiến thức, kỹ năng đã học một cách có hệ thống; có năng lực huy động, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học theo các mức độ yêu cầu của chương trình thì dù đề kiểm tra, đánh giá, thi được cấu trúc thế nào học sinh cũng sẽ làm được các câu hỏi, bài tập trong đó.
 
Các em học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng một cách có hệ thống và có thể tham khảo, luyện tập theo 1-2 đề thi minh họa tương ứng với các kỳ thi thì chắc chắn đáp ứng yêu cầu.

Theo Tuổi trẻ Online

Quý Phụ huynh và sinh viên đăng ký tư vấn chọn ngành, chọn trường phù hợp vui lòng liên hệ:
Văn phòng Trung tâm Tuyển sinh Trực tuyến
740 Điện Biên Phủ, Phường 10, Quận 10, TP.HCM
Tổng đài tư vấn miễn phí: 1800.2073
Email: tuyensinh@myu.edu.vn | Zalo: 0327 840 333
Fanpage: https://www.facebook.com/trungtamtuyensinhtructuyen
Chat hỗ trợ
Chat ngay